Sau hơn 30 năm thực hiện Tuyên ngôn Alma Ata về sức khỏe cho mọi người và chăm sóc sức khỏe ban đầu, các quốc gia đã rút kinh nghiệm để đổi mới thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu phù hợp hơn nhằm đạt các mục tiêu đề ra.Ở Thái Lan đã triển khai nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu theo nội dung mà WHO đã đưa ra như thế nào?
MỘT SỐ KINH NGHIỆM CHĂM SÓC SỨC KHỎE BAN ĐẦU Ở THÁI LAN
- Dương Huy Liệu
Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế y tế Việt Nam
Sau hơn 30 năm thực hiện Tuyên ngôn Alma Ata về sức khỏe cho mọi người và chăm sóc sức khỏe ban đầu, các quốc gia đã rút kinh nghiệm để đổi mới thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu phù hợp hơn nhằm đạt các mục tiêu đề ra.
Bảng dưới đây cho thấy các đặc trưng của hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu được thực hiện ở các nước trên toàn cầu (cột bên trái) và định hướng đổi mới chăm sóc sức khỏe ban đầu trong thời gian tới (cột bên phải). Các khái niệm về đổi mới chăm sóc sức khỏe ban đầu giúp chúng ta có tầm nhìn rõ hơn về những đổi mới sẽ phải tiến hành để nâng cao hiệu quả của hệ thống y tế.
So sánh đặc trưng của chăm sóc sức khỏe ban đầu trước đây và hiện nay
(Nguồn: WHO Report 2008)
Chăm sóc sức khỏe ban đầu trước đây (1978) | Những quan tâm đổi mới chăm sóc sức khỏe ban đầu hiện nay (2008) |
Mở rộng khả năng tiếp cận gói can thiệp y tế cơ bản và thuốc thiết yếu cho người nghèo ở nông thôn | Đổi mới hệ thống y tế nhắm bảo đảm khả năng tiếp cận toàn dân và ann sinh sức khỏe xã hội |
Tập trung chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em | Chăm lo sức khỏe cho tất cả mọi người trong cộng đồng |
Tập trung vào một số bệnh nhất định, chủ yếu là bệnh lây nhiễm và cấp tính | Đáp ứng toàn diện mong đợi và nhu cầu của người dân, mở rộng sự quan tâm tới tất cả các nguy cơ và bệnh tật |
Cải thiện điều kiện vệ sinh, nước, truyền thông giáo dục sức khỏe ở cấp làng xã | Thúc đẩy lối sống lành mạnh, giảm tác hại của các nguy cơ môi trường và xã hội |
Kỹ thuật đơn giản cho nhân viên y tế cộng đồng, cộng tác viên không chuyên nghiệp | Hỗ trợ đội ngũ nhân viên y tế tiếp cận và sử dụng kỹ thuật và thuốc thích hợp |
Sự tham gia của người dân thông qua huy động các nguồn lực địa phương và quản lý cơ sở y tế thông qua ban chăm sóc sức khỏe địa phương | Sự tham gia của xã hội dân sự được thể chế hóa trong các cơ chế đối thoại và trách nhiệm giải trình |
Dịch vụ do Nhà nước cấp tài chính và cung ứng, có sự quản lý tập trung | Hệ thống y tế nhiều thành phần (công lập, ngoài công lập, từ thiện…) hoạt động trong môi trường xã hội và toàn cầu hóa |
Quản lý trong hoàn cảnh khan hiếm nguồn lực và tinh giảm biên chế | Ưu tiên nguồn lực tăng thêm cho y tế vào việc chăm sóc sức khỏe toàn dân |
Viện trợ song phương, hỗ trợ kỹ thuật | Hợp tác toàn cầu, cùng đào tạo và rút kinh nghiệm với nhau |
Chăm sóc sức khỏe ban đầu đối lập với chăm sóc bệnh viện | Chăm sóc sức khỏe ban đầu có vai trò điều phối “sự đáp ứng” toàn diện ở các tuyến bệnh viện |
Chăm sóc sức khỏe ban đầu rẻ tiền, chỉ cần đầu tư khiêm tốn | Chăm sóc sức khỏe ban đầu không rẻ, cần được đầu tư thỏa đáng, tuy nhiên hiệu quả mang lại từ đầu tư đó cao hơn so với các phương án đầu tư khác |
Tiến sỹ Margaret Chan, chủ tịch WHO đã từng nói: “Song, dù cho đã có nhiều tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực y tế toàn cầu, tiếc thay, những bài học nhãn tiền về thất bại chung trong việc thực hiện các giá trị (của CSSK ban đầu) vẫn còn khiến chúng ta phải quan tâm thêm nhiều hơn bao giờ hết…”.
Vậy ở Thái Lan đã triển khai nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu theo nội dung mà WHO đã đưa ra như thế nào?
Phát triển các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu: Thời kỳ chăm sóc chăm sóc sức khỏe toàn dân:
Bắt đầu từ năm 2001, Thái Lan thực hiện chính sách chăm sóc sức khỏe toàn dân:
Ở thời kỳ này, chiến lược đầu tiên về chăm sóc sức khỏe toàn dân chủ yếu tập trung vào triển khai các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu nhằm mục tiêu về: tiếp cận công bằng, bình đẳng; hiệu suất của hệ thống cung cấp Dịch vụ y tế; tăng cường sức khỏe và phòng chống bệnh tật. Hệ thống có sự chuyển biến mạnh mẽ từ “chữa bệnh” sang “tăng cường sức khỏe”.
Hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu trong hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân: Đơn vị chịu trách nhiệm chính về cung cấp dịch vụ CSSK ban đầu bao gồm bệnh viện huyện và các trung tâm y tế.
Thời kỳ này Thái Lan đã đặt trọng tâm CSSK ban đầu một cách toàn diện hơn, chú trọng đổi mới hệ thống y tế nhằm đảm bảo: Cung cấp các dịch vụ y tế; Chẩn đoán, điều trị trong/ngoài bệnh viện; Tăng cường sức khỏe và phòng chống bệnh tật; Phục hồi chức năng; Tăng cường sự tham gia của cộng đồng.
Đơn vị thực thi CSSK ban đầu là Trung tâm y tế (tương đương các trạm y tế xã ở Việt Nam). Mỗi Trung tâm y tế có quy mô phục vụ 10.000 dân, trong bán kính khu vực dưới 30 phút đi xe hơi. Lý tưởng nhất là một tổ gồm 8 người (1 người/1250 dân), thời lượng làm việc ít nhất 56 giờ/tuần. Các nhân lực trong trung tâm y tế bao gồm: 1 bác sỹ,1 nha sĩ, 2 y tá có đăng ký chuyên môn, 4 nhân viên y tế. Dịch vụ y tế cung cấp bao gồm: Chăm sóc y tế: chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh mạn tính, dịch vụ nha khoa, phục hồi chức năng, cấp cứu 24 giờ; Tăng cường sức khỏe và phòng chống bệnh tật; Chủ động trong các hoạt động với cộng đồng, ví dụ: chăm sóc gia đình, thăm khám bệnh nhân tại nhà, chiến dịch CSSK.
Biểu đồ 1. Tăng thêm Ngân sách cho y tế
Sau 10 năm thực hiện tình hình CSSK của Thái Lan đã có bước chuyển biến rõ rệt. Tình hình sử dụng dịch vụ ngoại trú đã thay đổi từ chỗ các bệnh viện tỉnh, khu vực là đơn vị thu hút nhiều nhất các dịch vụ KCB ngoại trú (1977) thì tới năm 2010 các trung tâm y tế nông thôn (tương đương trạm y tế xã) đã thu hút tới 54% dịch vụ KCB ngoại trú. Các bệnh viện huyện thu hút 33,4% và các bệnh viện tỉnh, bệnh viện khu vực chỉ thu hút 18,1% dịch vụ KCB ngoại trú. Có được các kết quả này Thái Lan chú ý đặc biệt tới các chính sách phát triển y tế cơ sở và CSSKBĐ. Trong đó, Thái Lan đã dành ưu tiên đầu tư từ ngân sách của Chính phủ cho y tế nói chung và tuyến y tế cơ sở; xây dựng được các Trung tâm y tế (tương đương trạm y tế xã) với đội ngũ cán bộ y tế có chất lượng để làm cả 3 chức năng cơ bản của Trung tâm y tế là khám chữa bệnh ban đầu, dự phòng bệnh tật và nâng cao sức khỏe.