Đồng Tháp là tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có đường biên giới với Campuchia dài gần 50km; diện tích 3.374 km2, dân số khoảng 1,7 triệu người, mật độ trung bình: 504 người/km2.
- ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH NGÀNH Y TẾ TỈNH ĐỒNG THÁP:
Đồng Tháp là tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có đường biên giới với Campuchia dài gần 50km; diện tích 3.374 km2, dân số khoảng 1,7 triệu người, mật độ trung bình: 504 người/km2.
Về hành chính: có 12 huyện, thị, thành phố; 144 xã, phường, thị trấn. Là tỉnh thuần nông, với hơn 77% dân số sống ở nông thôn, còn nhiều tập quán, thói quen lạc hậu. Số hộ nghèo 5,57% và cận nghèo chiếm 13,01% dân số.
Là tỉnh nằm ven sông Tiền và sông Hậu, hàng năm có 04-05 tháng lũ lụt, môi trường bị ô nhiễm khá nặng, nhất là nguồn nước do nhiễm vi sinh, hữu cơ, hoá chất tồn dư từ vật nuôi, cây trồng đổ xuống sông, kênh, rạch.
Tỷ lệ hộ dân nông thôn được cung cấp nước sinh hoạt còn thấp khoảng 60%; tỷ lệ hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh khoảng 40%. Vì vậy, mô hình bệnh tật nổi bật là các bệnh lây truyền qua nguồn nước, thực phẩm và côn trùng như: tả, lỵ, thương hàn, sốt xuất huyết, hội chứng não cấp… Bên cạnh đó các bệnh không truyền nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, tâm thần… có xu hướng ngày càng tăng.
Trong những năm gần đây tình hình phát triển kinh tế – văn hoá – xã hội của tỉnh có mức tăng trưởng khá nên các cấp ủy Đảng, Chính quyền đã quan tâm đầu tư phát triển cơ sở vật chất ngành y tế. Hầu hết các bệnh viện tỉnh, huyện đều được đầu tư nâng cấp từ nguồn vốn Trung ương và của tỉnh, mạng lưới y tế cơ sở từng bước được củng cố và hoàn thiện với 85% TYT xây dựng đạt chuẩn Quốc gia, 100% trạm y tế có bác sĩ. Các Trung tâm và trạm chuyên khoa tuyến tỉnh và các Trung tâm Y tế tuyến huyện cũng đang được xúc tiến đầu tư nâng cấp, xây mới.
Tuy nhiên, y tế Đồng Tháp luôn phải đối phó với những khó khăn thách thức như thiên tai, dịch bệnh; các cơ sở điều trị tuyến tỉnh, huyện, xã đều quá tải; nguồn nhân lực Ngành y tế còn thiếu nhiều (thiếu hơn 1.000 biên chế theo Thông tư 08/2007/TTLT-BYT-BNV), cơ cấu và trình độ chưa đồng bộ, nhất là Khối y tế dự phòng và tuyến xã…, dù vậy nhưng tất cả các tuyến đều nỗ lực rất lớn để đảm bảo cung cấp các dịch vụ y tế thiết yếu và chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân trong tỉnh.
- TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM Y TẾ DỰ PHÒNG TỈNH ĐỒNG THÁP:
- Nhiệm vụ:
Trung tâm YTDP đang thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo Quyết định 05/2006/QĐ-BYT ngày 17/01/2006 của Bộ Y tế. Từ năm 2007 đến nay Trung tâm YTDP được Sở Y tế giao nhiệm vụ thực hiện loại hình đơn vị sự nghiệp có thu đảm bảo một phần kinh phí hoạt động theo Nghị định 43/NĐ-CP của Chính phủ, giai đoạn từ 2007-2009.
- Cơ sở vật chất:
Cơ sở hoạt động của Trung tâm YTDP hiện nay thuộc nhà cấp III, 01 trệt và 02 lầu với diện tích sử dụng 870m2, không đủ diện tích để triển khai các khoa, phòng theo quy định. Trong đó, Khoa Xét nghiệm là 288m2, chiếm 33% diện tích. Về trang thiết bị cơ bản đáp ứng được yêu cầu hoạt động y tế dự phòng, đã được bổ sung từ nguồn kinh phí Dự án Hỗ trợ y tế đồng bằng sông Cửu Long.
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Tháp có cơ sở mới đang trong quá trình đầu tư xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2013 để đảm bảo trong năm 2014 các hoạt động của Trung tâm YTDP Tỉnh đạt chuẩn quốc gia về y tế dự phòng.
- Về tổ chức, biên chế:
Theo Thông tư 08/2007/TT-BYT-BNV thì định mức biên chế Trung tâm Y tế dự phòng của tỉnh từ 1,5-2 triệu dân là 55-75 người, nhân với hệ số khu vực là 1,2 thì biên chế của Trung tâm YTDP tỉnh Đồng Tháp tối đa là 90 người và đã được tỉnh giao biên chế năm 2009 là 90 người. Tuy nhiên, nhân lực Trung tâm YTDP đến cuối năm 2009 chỉ có 69 người (68 chính thức và 01 hợp đồng công nhật). Trong đó, CBVC có trình độ đại học và sau đại học là 18 người.
Về cơ cấu tổ chức gồm có Ban giám đốc (03 người), 1 phòng KH-TC-TC-HC (15 người) và 7 khoa: Khoa KSBTN – VXSP (13 người), Khoa Xét nghiệm (12 người), 05 khoa còn lại gồm: SR-NT, DDCĐ, SKNN, SKCĐ, KDYT (26 người).
Để đạt chuẩn quốc gia về YTDP của Bộ Y tế, Trung tâm đã cử đi đào tạo đại học và sau đại học 08 người. Ngoài ra, còn thường xuyên cử cán bộ đi học tập nâng cao trình độ, kỹ năng thực hành các kỹ thuật mới nên nguồn nhân lực đã thiếu lại càng thiếu nhiều hơn.
- Kết quả hoạt động:
Năm 2009 Trung tâm YTDP tỉnh Đồng Tháp đã nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao và đã được Đoàn kiểm tra cuối năm của Bộ Y tế đánh giá như sau:
– Hoàn thành tốt chức trách tham mưu và tổ chức triển khai các nhiệm vụ chuyên môn, kỹ thuật về y tế dự phòng; Thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ đã quy định tại Điều 4 của Quyết định 05/2006/QĐ-BYT của Bộ Y tế.
– Được UBND Tỉnh tặng cờ thi đua do thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
III. KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG NĂM 2009:
- Bảng tổng hợp các khoản thu, chi:
TT | Các nguồn thu
|
Số tiền
(tr.đ) |
Tỷ lệ
(%) |
Các khoản chi | Số tiền
(tr.đ) |
Tỷ lệ/ khoản thu(%) | Tỷ lệ/ TS (%) |
1 | KP khoán
(NS cấp) |
2.588 | 26.06 | Lương+ phụ cấp | 2.467,5 | 95.34 | 24.85 |
Hoạt động CQ | 120,5 | 4.66 | 1.21 | ||||
3 | Thu phí, lệ phí | 2.327,5 | 23.43 | Hoạt động CQ | 1.333 | 57.27 | 13.42 |
Lương tăng thêm | 994,7 | 42.73 | 10.01 | ||||
2 | KP ngoài khoán | 1.671,5 | 16.83 | H.động dự phòng + vốn đối ứng | 1.671,5 | 100 | 16.83 |
4 | KPTW uỷ quyền | 1.639,8 | 16.51 | Chi các CTMT | 1.639,8 | 100 | 16.51 |
5 | KP DA quốc tế | 1.705,2 | 17.17 | Chi hoạt động DA | 1.705,2 | 100 | 17.17 |
Cộng thu | 9.932 | 100 | Cộng chi | 9.932 | 100 |
- Các nguồn thu:
+ Kinh phí khoán gồm 2 nguồn:
– Ngân sách cấp: (70 người x 30 tr.đ/biên chế = 2.100 tr.đ) + (cấp bổ sung phụ cấp đặc thù = 488 tr.đ) = 2.588 tr.đ.
– Thu phí, lệ phí: 2.327.500.000đ. Trong đó chỉ tiêu được giao khoán thu phí, lệ phí bổ sung kinh phí hoạt động cơ quan: 1.100tr.đ
Như vậy, tổng kinh phí khoán chi cho hoạt động của Trung tâm YTDP là 3.688 tr.đ.
+ Các khoản kinh phí được thực hiện theo các quy định của Việt Nam (gồm kinh phí khoán, ngoài khoán, phí và lệ phí, kinh phí ủy quyền của Trung ương): 8.227 tr.đ.
+ Kinh phí thực hiện theo quy định của các dự án quốc tế: 1.705,2 tr.đ.
- Kinh phí đã chi:
+ Kinh phí khoán: 3.688 tr.đ
– Chi lương và phụ cấp đặc thù: 2.467,5 tr.đ (chiếm 95,34% ngân sách cấp) và chiếm 66,91% kinh phí khoán.
– Số còn lại (120,5 tr.đ từ ngân sách cấp và 1.100 tr.đ từ khoán thu phí, lệ phí bổ sung ngân sách) chi công tác phí, xăng, dầu, điện, nước, thông tin liên lạc, VPP và các khoản chi khác: 1.220,5 tr.đ, chiếm 33,09% kinh phí khoán.
Tuy nhiên, thực tế chi lương, phụ cấp và hoạt động cơ quan là 3.921 tr.đ, cao hơn so với kinh phí khoán là 233 tr.đ (còn thiếu kinh phí hoạt động 6,32% phải trích từ thu nhập tăng thêm của CBVC để bù đắp thiếu hụt này).
Nếu khoán theo biên chế được duyệt là 90 người thì có thể đảm bảo được kinh phí hoạt động cho Trung tâm y tế dự phòng.
+ Kinh phí thu phí, lệ phí:
– Chi cho các hoạt động của đơn vị: 1.333 tr.đ (chiếm 51,5% TS thu phí, lệ phí).
– Chi phúc lợi (thu nhập tăng thêm) cho CBVC đơn vị: 994,7 tr.đ (chiếm 38,43%). Mỗi CBVC được nhận thu nhập tăng thêm khoảng 14,4 tr.đ/ năm, tức tương đương 1,2 tr.đ/ người/tháng (40,31% lương).
+ Kinh phí ngoài khoán của địa phương:
Vào đầu năm, sau khi đơn vị được thông báo kinh phí đã được cam kết của các nguồn. Đơn vị tổ chức họp xem xét số kinh phí đã có so với nhu cầu cần có để thực hiện các nhiệm vụ do Bộ y tế, UBND Tỉnh, Sở y tế giao và các hoạt động đơn vị cần ưu tiên. Phân công các khoa phòng xây dựng kế hoạnh chi tiết, rõ ràng, cụ thể như kinh phí thực hiện các chương trình, dự án mục tiêu quốc gia mà trung ương chưa đáp ứng đủ, kinh phí phòng chống dịch, phòng chống TNTT, giám sát chất lượng nước, vệ sinh môi trường, y tế trường học, phòng chống các CRLTI, sức khỏe nghề nghiệp các hoạt động khoa xét nghiệm…. Các kế hoạch này được trình Sở y tế, nếu thấy hợp lý Sở y tế trình UBND Tỉnh. Sau đó UBND Tỉnh tổ chức họp BCĐ CSSKND của Tỉnh để lấy ý kiến về vấn đề này và chỉ đạo Sở tài chính xem xét cân đối kinh phí trình UBND Tỉnh phê duyệt cấp kinh phí bổ sung ngoài khoán để thực hiện các hoạt động đã được duyệt.
Trong nhiều năm qua việc chi tiêu kinh phí ngoài khoán, chúng tôi đã sử dụng hợp lý, hiệu quả, nên được sự ủng hộ của các thành viên BCĐ CSSKND Tỉnh. Vì vậy, hàng năm chúng tôi được cấp bổ sung ngoài khoán để thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, kinh phí này thường được cấp sau tháng 5 hàng năm nên dễ bị động trong việc điều phối các hoạt động.
+ Kinh phí uỷ quyền của Trung ương hỗ trợ một phần kinh phí các chương trình dự án mục tiêu quốc gia. Kinh phí này thường vừa đủ chi cho các hoạt động trên, nếu không sử dụng hết phải nộp trả lại cho ngân sách địa phương.
*Tổng kinh phí ngoài khoán và kinh phí ủy quyền của Trung ương, chúng tôi đã dành hơn 2/3 để cấp cho tuyến huyện hoạt động ở cơ sở.
+ Kinh phí các dự án quốc tế:
– Thực hiện theo quy định các khoản mục chi của dự án, nhằm đạt được các mục tiêu đề ra, nếu thừa cũng trả lại cho dự án.
- BÀN LUẬN:
– Đồng Tháp là tỉnh còn nhiều khó khăn, dân cư đông đúc, môi trường còn ô nhiễm nhiều, mô hình bệnh tật phức tạp. Cán bộ y tế khối dự phòng và y tế xã còn thiếu. Trình độ và cơ cấu cán bộ khối y tế dự phòng còn thấp xa so với chuẩn quốc gia về y tế dự phòng của Bộ Y tế. Do đó, việc triển khai thực hiện các mặt hoạt động y tế dự phòng tại Tỉnh còn nhiều bất cập.
– Mô hình tổ chức và chức năng nhiệm vụ của Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố hiện nay chưa rõ ràng. Hoạt động y tế dự phòng tuyến huyện chủ yếu vẫn thực hiện theo Quyết định 26/2005/QĐ-BYT ngày 09/9/2005 của Bộ Y tế ban hành “Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Y tế dự phòng huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh”
– Mặc dù được sự quan tâm rất lớn của Đảng bộ, chính quyền các cấp, được sự chỉ đạo sát sao và sự ủng hộ nhiệt tình của Sở Y tế, nhưng kinh phí các nguồn như đã phân tích chỉ đáp ứng những nhu cầu cơ bản cho hoạt động của YTDP tuyến tỉnh, còn nhiều vấn đề về y tế, sức khoẻ cộng đồng chưa được giải quyết sâu rộng để cải thiện tình hình nhanh hơn, đầy đủ hơn.
– Kinh phí uỷ quyền của TW dành cho địa phương còn thấp, chủ yếu chỉ để thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia. Còn nhiều lĩnh vực như y tế trường học, vệ sinh môi trường, phòng chống TNTT, sức khoẻ nghề nghiệp, phòng chống CRLTI, dinh dưỡng cộng đồng, kiểm dịch y tế biên giới… địa phương phải cấp thêm kinh phí ngoài khoán để thực hiện các hoạt động này nhưng thường chậm (vào 2 quý cuối năm) và còn thấp so với yêu cầu, nên hiệu quả đạt được chưa cao.
– Nguồn kinh phí từ các dự án quốc tế đã góp phần rất lớn trong việc tạo ra các mô hình hiệu quả để giải quyết các vấn đề sức khoẻ cộng đồng nhưng để triển khai nhân rộng mô hình đó tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn do kinh phí địa phương còn hạn hẹp.
– Nguồn thu phí và lệ phí chưa ổn định vì đây là lĩnh vực dịch vụ có thu nên chịu nhiều áp lực cạnh tranh và phụ thuộc vào nhiều yếu tố (cơ sở vật chất, trang thiết bị, vốn lưu động, trình độ nhân lực…).
– Kinh phí khoán từ nguồn ngân sách cấp tỉnh trên biên chế hàng năm quá thấp, gần như chỉ đủ trả lương và phụ cấp (chiếm hơn 95%) nên đã đặt gánh nặng quá lớn vào khoán thu phí, lệ phí để đảm bảo các hoạt động thường xuyên của đơn vị, trong khi đó nguồn thu phí và lệ phí lại không ổn định.
- KẾT LUẬN:
- Tính hợp lý:
Các nguồn cung cấp tài chính cho hoạt động y tế dự phòng gồm: kinh phí khoán, kinh phí uỷ quyền của TW, kinh phí các dự án quốc tế được công bố sớm vào đầu năm và được cam kết cụ thể đã tạo cơ sở để đơn vị xây dựng kế hoạch hành động một cách chủ động.
- Tính chưa hợp lý:
– Nguồn thu phí, lệ phí YTDP có tính không ổn định, lại là nguồn thu để động viên, khuyến khích, cải thiện thêm thu nhập cho CBVC của đơn vị để tạo sự gắn bó giữa họ với đơn vị, nhưng phải dành một tỷ lệ hơn 50% chi cho các hoạt động thường xuyên của đơn vị, trong khi thu nhập tăng thêm hàng tháng chỉ chiếm khoảng 40% lương của CBVC.
– Nguồn kinh phí khoán còn thấp và chưa hợp lý vì mức khoán tính trên số biên chế hiện có, không khoán theo định mức biên chế hoặc biên chế được giao cho đơn vị.
– Việc khoán kinh phí bình quân theo biên chế có lẽ cũng chưa phù hợp với đặc thù của công tác y tế dự phòng vì đây là lĩnh vực đi công tác lưu động thường xuyên, tập huấn nâng cao kỹ năng, hội nghị, sơ tổng kết nhiều hoạt động khác nhau…
- KIẾN NGHỊ:
- Với Bộ Y tế:
– Xem xét phân bổ định mức kinh phí dự phòng theo vùng lãnh thổ, mô hình bệnh tật và quy mô dân số của từng địa phương.
– Hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động phòng chống TNTT, y tế trường học, vệ sinh môi trường, sức khoẻ nghề nghiệp, kiểm dịch y tế… để các hoạt động này được đồng bộ với các hoạt động khác sẽ tạo ra tác động tích cực và hiệu quả hơn cho sức khoẻ cộng đồng.
– Giám sát tình hình phân bổ kinh phí địa phương hàng năm cho khối y tế dự phòng và có tác động cần thiết (nếu phân bổ kinh phí chưa phù hợp) để địa phương có những điều chỉnh phù hợp và kịp thời.
– Cần yêu cầu địa phương có vốn đối ứng theo tỷ lệ thích hợp cho từng hoạt động dự án, chương trình để khối y tế dự phòng có thể xây dựng kế hoạch hành động khả thi.
- Đối với UBND Tỉnh:
– Chỉ đạo các sở, ngành chức năng xem xét phê duyệt phân bổ kinh phí hoạt động hàng năm cho khối y tế dự phòng đạt mức bằng hoặc lớn hơn 30% tổng kinh phí hoạt động thường xuyên của ngành y tế địa phương (như Nghị quyết của Quốc hội khoá XI và chỉ thị của Bộ Chính trị đã đề ra).
– Xem xét giải quyết kinh phí ngoài khoán ngay từ đầu năm (kinh phí phòng chống dịch, bổ sung thực hiện các dự án chương trình mục tiêu y tế quốc gia, các hoạt động trọng tâm khác…) để phát huy cao nhất hiệu quả nguồn kinh phí này.
– Cần có chính sách khuyến khích, thu hút cán bộ y tế về công tác ổn định lâu dài ở khối y tế dự phòng.
– Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng và trang bị đồng bộ Trung tâm YHDP để sớm đạt chuẩn quốc gia YTDP, cải thiện điều kiện làm việc, tăng sức thu hút cán bộ y tế và tạo điều kiện cho Trung tâm YTDP hoạt động đạt hiệu quả cao.
– Cần phân bổ kinh phí hoạt động thường xuyên theo biên chế được duyệt thay vì cấp theo biên chế hiện có, vì dù thiếu cán bộ (chưa đủ theo biên chế được duyệt) nhưng tập thể CBVC đơn vị vẫn phải thực hiện hết mọi nhiệm vụ được Bộ Y tế, UBND Tỉnh và Sở Y tế giao.
- Đối với Sở Y tế:
– Lập dự toán tăng định mức kinh phí chi cho hoạt động thường xuyên các đơn vị thuộc khối YTDP từ tỉnh đến tuyến xã để đảm bảo các đơn vị thực hiện nhiệm vụ thuận lợi, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, giảm chi phí xã hội, bảo vệ CSSKND tốt hơn.
– Đề xuất phân bổ kinh phí cấp cho Trung tâm YTDP Tỉnh (kể cả nguồn kinh phí ngoài khoán) ngay từ đầu năm để đơn vị chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch và sớm triển khai thực hiện./.