11 July 2020

Qua thử nghiệm bước đầu từ năm 2008 đến nay, mô hình phòng công tác xã hội ở một số bệnh viện như Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy… đã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ cho người bệnh, cải thiện hình ảnh của ngành y tế.

Đây là khẳng định của TS Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh tại Hội nghị triển khai Thông tư số 43/2015/TT-BYT của Bộ Y tế Quy định về nhiệm vụ và hình thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác xã hội của Bệnh viện vừa được Bộ Y tế tổ chức.

TS. Trần Quý Tường – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh

Thực hiện Quyết định 32/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề Công tác xã hội ở Việt Nam giai đoạn 2011-2020, ngày 15/7/2011, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2514/QĐ-BYT về việc phê duyệt Đề án phát triển nghề Công tác xã hội trong ngành y tế giai đoạn 2011-2020. Đồng thời, Bộ trưởng cũng đã ban hành Quyết định 2515/QĐ-BYT ngày 15/7/2011 về việc thành lập Ban chỉ đạo xây dựng và triển khai Đề án phát triển nghề Công tác xã hội trong ngành y tế, do Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến làm Trưởng Ban.

 Đại biểu tham dự Hội nghị

 Trong thời gian qua, Đề án đưa ra 18 nhóm hoạt động cụ thể từ hội thảo nâng cao nhận thức, tập huấn về công tác xã hội y tế, biên soạn tài liệu hướng dẫn, chỉ đạo xây dựng mô hình điểm, rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình… đến việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để quy định, hướng dẫn công tác xã hội trong y tế. Theo các tài liệu và kinh nghiệm của các nước phát triển, công tác xã hội có vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân.

 Bộ Y tế đã chỉ đạo các Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế thành lập Ban chỉ đạo, phân công đơn vị đầu mối làm thường trực triển khai nghề CTXH trong địa phương, đơn vị, xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai nghề CTXH tại địa phương, đơn vị trên cơ sở kế hoạch chung của Bộ Y tế, tổ chức hội thảo, tập huấn nâng cao nhận thức của cán bộ y tế về nghề CTXH, đẩy mạnh truyền thông về nghề CTXH trong Y tế; Xây dựng mô hình điểm, rút kinh nghiệm, sau đó nhân rộng; Xây dựng các quy định đặc thù của địa phương, đơn vị để phát triển nghề CTXH trong y tế; Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về nghề CTXH; Thường xuyên báo cáo, liên hệ với Ban Chỉ đạo của Bộ Y tế để hỗ trợ phối hợp.

 Tại Việt Nam, CTXH đã được hình thành từ lâu, nhưng còn tản mạn, tự phát, ở giai đoạn đầu của CTXH. Ví dụ như các công tác từ thiện trong xã hội nhằm xoá đi những khó khăn, hoạn nạn, nỗi đau nhất thời của người dân với truyền thống “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”…. ; Tại nhiều bệnh viện đã tổ chức bếp ăn từ thiện, phát cơm, cháo cho người bệnh nghèo hoặc tổ chức các đợt khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, miễn phí cho người nghèo, người gặp hoàn cảnh khó khăn trong xã hội… . Theo thời gian và cùng với sự phát triển của xã hội, gần đây CTXH phát triển ngày càng chuyên nghiệp hơn với đội ngũ cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng chuyên nghiệp. Một số trường đại học ở nước ta đã đào tạo trình độ đại học về nghề Công tác xã hội. Ở một số cơ quan, đơn vị đã tuyển dụng người có nghề Công tác xã hội vào làm việc, bước đầu đã phát huy hiệu quả công tác, được đơn vị và cộng đồng đón nhận.

 Trong thời gian qua, mặc dù chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện song nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của hoạt động CTXH trong bệnh viện, nhiều bệnh viện đã mạnh dạn thành lập Phòng, Tổ CTXH và thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa bệnh nhân và thầy thuốc.

Theo TS Trần Quý Tường, việc triển khai Thông tư số 43/2015/TT-BYT của Bộ Y tế Quy định về nhiệm vụ và hình thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác xã hội của Bệnh viện là hành lang pháp lý quan trọng để đẩy mạnh việc thành lập phòng CTXH, phát triển nghề CTXH trong trong bệnh viện góp phần đổi mới toàn diện phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân.

 Về cơ cấu tổ chức, các bệnh viện căn cứ vào Thông tư và dựa trên tình hình thực tế của bệnh viện để thành lập Phòng công tác xã hội trực thuộc bệnh viện hoặc Tổ Công tác xã hội trực thuộc Phòng Điều dưỡng hoặc Phòng Kế hoạch tổng hợp. Tuy nhiên, trong đơn vị này phải có Tổ hỗ trợ người bệnh đặt ở vị trí dễ nhận biết tại khoa Khám bệnh. Những cán bộ làm ở bộ phận này phải được chọn lọc và được đào tạo về kỹ năng giao tiếp ứng xử để thực hiện hỗ trợ thông tin cho người bệnh.

 Ngoài hoạt động trên, công tác trong bệnh viện phải bao gồm nhiệm vụ hỗ trợ, tư vấn giải quyết các vấn đề về công tác xã hội cho người bệnh và người nhà người bệnh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh; Thông tin, truyền thông và phổ biến, giáo dục pháp luật; Vận động tiếp nhận tài trợ; Hỗ trợ nhân viên y tế; Đào tạo, bồi dưỡng; Tổ chức đội ngũ cộng tác viên làm công tác xã hội của bệnh viện và Tổ chức các hoạt động từ thiện, công tác xã hội của bệnh viện tại cộng đồng (nếu có

 Theo TS Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, việc thành lập Phòng, Tổcông tác xã hội tại các bệnh viện là một trong các nội dung của Quyết định định 2151/QĐ-BYT về Đổi mới phong cách thái đội phục vụ của nhân viên Y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh để cung cấp các dịch vụ công tác xã hội đáp ứng nhu cầu của người bệnh, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế trong bệnh viện, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc điều trị toàn diện cho người bệnh. Ngoài ra tại phòng công tác xã hội còn là cầu nối để kết nối những trường hợp bệnh nhân khó khăn với cộng đồng hoặc kết nối các trường hợp bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo từ cộng đồng tới điều trị tại bệnh viện.

 Hiện nay, với sự quá tải ở các bệnh viện, áp lực công việc nặng nề đối với người thầy thuốc, ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình khám, chữa bệnh cho nhân dân, nếu có sự tham gia của nhân viên CTXH hoặc cán bộ y tế được trang bị tốt kỹ năng CTXH sẽ làm tăng sự hài lòng của người bệnh, khiến họ tuân thủ điều trị và chất lượng khám chữa bệnh sẽ được tăng lên. Có thể nói rằng, nếu công tác xã hội tốt thì góp phần nâng cao y đức của người thày thuốc, TS Trần Quý Tường nhấn mạnh.

Tags: